Nhiều bà mẹ thấy sữa mình trong trong, loãng; cho con bú đều mà vẫn thấy con còi cọc, chậm lớn trong khi bản thân ăn uống rất đầy đủ dinh dưỡng. Họ sẽ thắc mắc vì sao lại như vậy và sữa mẹ loãng phải làm sao?
Bạn không cần quá lo lắng nếu thấy sữa mình cũng bị loãng, vì đây là chuyện bình thường. Hầu hết các bà mẹ đều từng gặp phải trường hợp này.
Vì sao có hiện tượng sữa mẹ loãng?
Sữa mẹ có tới 90% là nước. Sữa đầu thường nhiều nước, lactose, protein nên trong hơn, nhìn trông loãng. Còn sữa tiết sau cữ bú thì giàu chất béo, vi khoáng nên trông sẽ đặc hơn.
Sữa non thì có màu hơi vàng nhưng chỉ tiết ra trong 1-2 ngày sau sinh. Nói rằng sữa loãng là kém chất lượng là không hoàn toàn đúng.
Theo các chuyên gia, chất lượng của sữa mẹ thường không có sự khác biệt giữa các bà mẹ, cho dù lượng sữa nhiều hay là ít, thậm chí là đặc hay là loãng như mọi người thường nghĩ thì thành phần của sữa cũng không có sự khác nhau nhiều.
Chất lượng sữa ngoài việc đánh giá qua tỉ lệ thành phần dinh dưỡng còn phải kể đến những thành phần hóa học không tốt cho bé. Sữa mẹ có thể bị giảm chất lượng khi mẹ nhiễm bệnh hoặc ăn phải thức ăn có những độc hại.
Trong khi đó, mỗi đứa trẻ sơ sinh có một sự hấp thụ thức ăn khác nhau; môi trường sống xung quanh mỗi bé cũng khác nhau. Vì vậy, việc lên cân của bé không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sữa mẹ mà còn do nhiều yếu tố khác.
Sữa mẹ loãng phải làm sao?
Mặc dù không có sự khác nhau nhiều giữa các loại sữa mẹ song cũng có nhiều trường hợp sữa không đủ chất dinh dưỡng. Sữa không tiết ra nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu của bé; đồng thời cách bú không phù hợp,…đều dẫn tới việc bé còi cọc, chậm lớn hơn so với bình thường.
- Chế độ dinh dưỡng
-Bạn nên uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng các món. Không nên kiêng khem cái gì ngoại trừ những thực phẩm không tốt cho bé như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê,…
-Muốn sữa đặc hơn bạn có thể ăn cháo móng giò, chân dê, đu đủ xanh… Những loại thực phẩm này có nhiều “nhựa” và chất đạm giúp sữa mẹ đặc hơn và tiết ra nhiều hơn.
-Tuy nhiên, chỉ tập trung ăn những món ăn này mà hạn chế các loại thực phẩm khác, bạn sẽ bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm chất lượng sữa cho bé và còn làm bạn “phát phì” nhanh hơn sau khi sinh.
-Bạn có thể uống các loại sữa dành cho bà bầu và phụ nữ sau sinh để bổ sung thêm dinh dưỡng. Tuy nhiên nên chọn cẩn thận vì trên thị trường có nhiều loại kém chất lượng.
- Cách cho bé bú sữa
-Nếu bạn nhiều sữa, có thể vắt sữa đầu đi và cho bé bú sữa sau đặc hơn. Mặc dù thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ vắt sữa mãi mà sữa vẫn cứ loãng, điều này có thể liên quan đến dinh dưỡng của mẹ. Và cũng có nhiều trường hợp,cho con bú bằng sữa đầu( sữa mẹ loãng) mà bé vẫn lên cân bình thường.
-Nên cho bé bú cạn một bên bầu vú rồi mới chuyển sang bên kia.
-Bạn nên quan sát xem bé uống có đủ sữa không bằng cách xem thái độ của bé sau khi dứt bú có thỏa mãn không. Điều quan nhất chính là đáp ứng đủ nhu cầu của con.
–Không nên pha thêm gì vào sữa mẹ, trong lịch sử đã từng có chuyện bé sơ sinh bị nguy hiểm tính mạng do bố mẹ tự pha loãng sữa và cho thêm các thành phần dinh dưỡng khác theo thông tin trên mạng.
-Lúc cho bé bú sữa, bạn nên có tâm lý thoải mái, không gian xung quanh cũng nên yên tĩnh, không bụi khói, độc hại.
Sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dù sữa mẹ đặc hay sữa mẹ loãng thì hầu hết đều đủ dinh dưỡng cho bé, điều quan trọng là bạn có đủ sữa cho bé hay không mà thôi.
Bạn không nên quá tự ti, lo lắng vì điều này cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe của chính bạn và em bé. Bạn hãy tin rằng sữa của bạn đủ chất dinh dưỡng để nuôi bé.