Chóng mặt khi mang thai: Vì sao & Làm gì để hạn chế?

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, thông tin dưới đây sẽ giúp bạn lý giải nguyên nhân phổ biến và cách đối mặt với vấn đề này.

Tại sao bạn cảm thấy chóng mặt khi mang thai?

Cơ thể của bạn phải đối mặt với cực nhiều thay đổi lớn trong thai kỳ đặc biệt là tim mạch. Nhịp tim của bạn tăng lên, tim bơm máu nhiều hơn trong cùng một phút và lượng máu trong cơ thể tăng lên từ 30 đến 50%.

Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy chóng mặt khi mang thai.

Ngoài ra, trong thai kỳ, mạch máu của người mẹ nở rộng hơn bình thường dẫn đến huyết áp trong máu giảm dần cho đến một mức độ nhất định. Sau đó, huyết áp bắt đầu hồi phục trở lại mức bình thường vào cuối thai kỳ. Sự thay đổi huyết áp mạnh mẽ cũng sẽ khiến bạn cảm thấy lâng lâng, chóng mặt đặc biệt là khi thay đổi tư thế ngồi đột ngột.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, sự phát triển của tử cung cũng gây chèn ép lên các tĩnh mạch xung quanh, khiến máu chậm lưu thông đến nửa dưới của cơ thể làm cho bạn cảm thấy nhanh chóng mệt mỏi nhất là khi đi lại.

Hệ thống tim mạch và thần kinh của phụ nữ mang thai thường có thể tự thích nghi và điều chỉnh những thay đổi này và duy trì lượng máu cần thiết trên não bộ. Nhưng đôi khi, những thay đổi quá lớn hoặc quá đột ngột khiến cơ thể không kịp điều chỉnh, máu lên não giảm sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc người lâng lâng.

Bạn cũng có thể cảm thấy chóng mặt nếu bạn bị thiếu máu, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục quá mức hoặc quá nóng bức. Một số bệnh lý liên quan đến thai kỳ đôi khi cũng gây ra triệu chứng tương tự.

Chóng mặt khi mang thai phải làm sao?

Nằm xuống và nghỉ ngơi ngay khi bạn cảm thấy chóng mặt. Tư thế nằm nghiêng một bên, gác một chân lên gối và gối đầu không quá cao sẽ rất lý tưởng để giúp máu lưu thông đến các bộ phận khác trên cơ thể nhất là não bộ. Nằm nghỉ ngay sẽ giúp bạn tránh bị ngất xỉu và giảm dần cảm giác lâng lâng.

Nếu bạn bị chóng mặt khi không có sẵn giường để nằm nghỉ, vậy hãy ngồi xuống để tránh chóng mặt làm cho bạn bị ngã, rất nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Chỉ đứng dậy và đi lại khi nào bạn cảm thấy thực sự khá hơn.

Nếu bạn đang lái xe, dừng lại ngay để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Tránh chóng mặt khi mang thai như thế nào?

Rất khó để ngăn ngừa hoàn toàn chóng mặt khi mang thai, nhưng một số điều có thể hạn chế đáng kể tần suất và mức độ của chóng mặt.

Đừng thay đổi tư thế quá nhanh

Đặc biệt là cẩn trọng khi bạn đang ngồi xuống và muốn đứng lên. Khi bạn đang ngồi, máu dồn xuống phần dưới của cơ thể, nếu cơ thể bạn không thể điều chỉnh kịp thời khi bạn đứng lên, máu sẽ không thể trở về tim đúng lúc dẫn đến huyết áp giảm nhanh chóng và gây ra cảm giác choáng váng.

Để tránh tình trạng này hãy từ từ và thực hiện thay đổi tư thế một các chậm rãi. Nếu bạn đang nằm, nhẹ nhàng ngồi dậy bên cạnh dường với đôi chân thả xuống dưới trong vài phút. Sau đó từ từ đứng lên.

Bạn cũng cần thường xuyên hoạt động, không giữ một tư thế quá lâu. Nếu bạn không thể di chuyển được, hãy lắc lư đôi chân để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.

Đừng nằm ngửa

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, tử cung của bạn phát triển tới một kích thước nhất định và cũng mang trọng lượng đủ để ảnh hưởng đến các bị trí khác trên cơ thể.

Nằm ngửa khiến tử cung chứa bào thai có nguy cơ chèn ép lên các tĩnh mạch lớn dẫn máu lưu thông từ tim đến chân rồi quay trở lại.

Theo thống kê, khoảng 8% phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba bị hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa.

Nằm nghiêng với một vài chiếc gối xung quanh để chèn lưng, gác chân và gác tay là thích hợp chất cho phụ nữ mang thai.

Tham khảo: 16 Điều quan trọng cần biết khi mang thai

Chế độ ăn lành mạnh

Khi không đủ dinh dưỡng, lượng đường trong máu thấp dễ khiến bạn cảm thấy chóng mặt và yếu lực. Điều này dễ dàng xảy ra hơn khi bạn đang mang thai.

Giữ cho mình không bị đói bằng cách chia thành nhiều bữa ăn nhỏ với nhiều loại thực phẩm phong phú.

Mất nước cũng gây các hiệu ứng tương tự vì vậy giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước hàng ngày.

Giữ không khí và môi trường mát mẻ thoải mái

Hạn chế tắm bồn và đặc biệt là xông hơi. Hơi nóng sẽ khiến mạch máu giãn ra và làm giảm huyết áp dẫn đến chóng mặt và xuất hiện các cảm giác không chân thực.

Mùa hè khắc nghiệt cũng gây các ảnh hưởng tương tự, bạn nên ở trong phòng điều hòa khi tiết trời quá nóng nhưng lưu ý để môi trường xung quanh không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bạn muốn di chuyển ra bên ngoài.

Đừng tập thể dục quá mức

Thể dục là tốt cho thai kỳ của bạn, nhưng nó sẽ gây ảnh hưởng không có lợi nếu bạn tập luyện quá mức hoặc các bài tập yêu cầu vận động cơ nặng nề.

Tham khảo: 10 Bài tập tốt cho bà bầu

Bị chóng mặt trong thai kỳ: Khi nào cần đi khám

Chóng mặt khi mang thai là triệu chứng phổ biến và xuất hiện trên hơn 50% thai phụ. Nó thường không phải là một vấn đề y tế đáng báo động, nhưng đôi khi, chóng mặt có thể báo trước các vấn đề tiềm tàng khác mà cần được theo dõi bởi các bác sĩ.

Bạn cần đi khám nếu chóng mặt xuất hiện kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Đau nặng đầu
  • Mắt mờ hoặc nhòe hoặc xuất hiện điểm mù
  • Đau tức ngực
  • Ngứa ran
  • Tê cứng một bộ phận của cơ thể
  • Khó thở
  • Xuất huyết âm đạo

Đi cấp cứu ngay nếu bạn bị chóng mặt do chấn thương ở đầu vì gặp tai nạn.

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đi cấp cứu nếu chóng mặt kèm với đau bụng và tim đập nhanh. Các triệu chứng này có thể báo hiệu bạn bị vỡ thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp khẩn cấp về y tế.

QUAN TRỌNG:

Không uống bất kỳ loại thuốc nào để điều trị chóng mặt khi chưa có sự cho phép của các bác sĩ. Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể có tác dụng phụ đôi khi cực kỳ nghiêm trọng dễ dẫn đến xảy thai. Đi khám bác sĩ sản khoa định kỳ khi bạn đang mang thai để đảm bảo sức khỏe và sự ổn định cho cả hai mẹ con.