Suy dinh dưỡng gây ra nhiều vấn đề ở trẻ sơ sinh hơn bất cứ lứa tuổi khác vì chúng có thể dẫn đến chậm phát triển, gây thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần.Trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng dễ nhiễm các bệnh khác hơn, kể cả khi sau đó đã được chăm sóc và hồi phục lại.
Làm thế nào để biết bé nhà bạn có bị suy dinh dưỡng hay không? Cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng ra sao? Những thông tin dưới đây có thể giúp ích cho bạn.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng
Không tăng cân hàng tháng là dấu hiệu dễ nhận ra nhất cho thấy bé gặp vấn đề về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt (nguy cơ bị suy dinh dưỡng). Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng nặng còn có một số dấu hiệu sau:
- Trông gầy còm, cơ nhão ra.
- Trông mệt mỏi, không được vui tươi, năng động, đôi khi quấy khóc hoặc cáu gắt.
- Thở khó khăn, dễ bị lạnh, dễ nhiễm bệnh, vết thương khó hồi phục.
- Da có thể trở nên mỏng, khô, không đàn hồi, xanh xao, lạnh.
- Mặt hóp lại, má trông rỗng và đôi mắt trũng xuống.
- Tóc trở nên khô và thưa thớt, rơi ra một cách dễ dàng.
Các thể loại suy dinh dưỡng
Hầu hết suy dinh dưỡng xuất hiện ở trẻ gầy, do không được đáp ứng đủ lượng thức ăn cần thiết cho cơ thể hoặc không hấp thụ được các chất dinh dưỡng.
- Thể nhẹ cân: phản ánh sự tăng trưởng chậm tại thời điểm đó, dựa trên cân nặng.
- Thể thấp còi: phản ánh sự tăng trưởng chậm tại thời điểm trong quá khứ và hiện tại, dựa trên chiều cao
- Thể gầy còm: phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do không lên cân/không tăng chiều cao hoặc đang tụt cân/giảm chiều cao.
Ngoài ra, có nhiều trẻ bị béo phì do tiêu thụ quá nhiều calo trong khi thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khác(ví dụ vitamin và chất khoáng). Trường hợp này cũng được coi là suy sinh dưỡng.
Cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng
1.Vệ sinh.
- Đảm bảo ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm bẩn hoặc bị ô nhiễm.
- Tắm rửa bé sạch sẽ. Quần áo hay đồ chơi cũng nên được vệ sinh thường xuyên.
- Môi trường xung quanh phải được sạch sẽ. Nước sử dụng cũng phải là nước sạch.
2.Chế độ dinh dưỡng.
Nguyên tắc cơ bản trong việc chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng là phải cân bằng dinh dưỡng.
- Cần phải cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết. Với trẻ bị suy dinh dưỡng thì phải nhiều hơn.
- Cho bé bú sữa mẹ thường xuyên, nếu cần có thể cho bé dùng thêm sữa công thức.
- Khi trẻ ăn được rồi thì nên cho thêm thịt, rau, dầu vào cháo/ bột (tùy vào khả năng hấp thụ và độ tuổi của bé). Ngoài ra nên thêm các loại hoa quả.
- Đổi cách chế biến và các món ăn để bé ăn ngon miệng hơn.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh thì cần trợ giúp từ các loại men tiêu hóa hoặc thuốc chữa bệnh.
3.Chăm sóc tâm lý.
- Luôn thể hiện tình yêu của bạn với bé bằng cách: vỗ về, âu yếm, trò chuyện, vui chơi cùng,…
- Tránh các lời nói hoặc cử chỉ thô bạo khiến bé bị tổn thương.
4.Phòng tránh các bệnh.
Luôn theo dõi và kiểm tra tình hình sức khỏe của bé. Hạn chế các tác nhân kích thích và phòng ngừa các loại bệnh.
Trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng bẩm sinh, có thể bị nặng hay nhẹ hoặc đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Tùy vào mức độ suy dinh dưỡng, đứa trẻ có thể được chăm sóc tại nhà hoặc nhất thiết phải được điều trị trong bệnh viện.